Thứ ba, 19/3/2024 15:31:41 (GMT+7)
Quảng cáo
Khuyến nông
Bệnh vàng rụng lá trên cây cao su
Thứ năm, 16/9/2010 12:00:00 AM

Hiện nay cây cao su đang chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Cao su cũng là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ

Là loại cây công nghiệp lâu năm, có chu kỳ khai thác dài 20-25 năm nên công tác BVTV chiếm một vị trí rất quan trọng, đó là phòng trị các loại bệnh thường xuyên xảy ra như bệnh phấn trằng, héo đen đầu lá, nấm hồng, rụng lá, loét sọc mặt cạo, nứt vỏ xì mủ….

Bệnh Corynespora gây rụng lá cây cao su đã xuất hiện từ đầu năm đến nay và đang lây lan trên một số vùng ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung.

Bệnh này đã từng xuất hiện ở Việt Nam năm 1999 nhưng không phát triển mạnh nên ít được chú ý. Bệnh do nấm Corynespora cassiicola gây ra, phân bố rộng trên hơn 70 quốc gia và 300 loài thực vật. Ban đầu, bệnh Corynespora chỉ xuất hiện trên một vài dòng vô tính cao su và gây hại không đáng kể, sau đó bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng và thành dịch ở nhiều nước có trồng cao su.

Nguyên nhân: Do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei, họ Moniliales gây ra, gây hại nặng cho các dòng vô tính như RRIC103, RRIC104

Ngoài cây cao su, nấm còn ký sinh trên 150 loại cây thuộc nhiều họ khác nhau, trên 80 nước trên nhiều vùng khí hậu từ nhiệt đới đến ôn đới và gây hại trên tất cả các bộ phận của cây từ lá tới rễ.

Tác hại: Bệnh gây ra sẽ làm rụng lá, làm giảm quá trình quang hợp, đối với vườn cao su đang khai thác sẽ làm giảm sản lượng mủ, bệnh nặng có thể gây chết cây.

Triệu chứng:

Trên lá: Triệu chứng đặc trưng với vết bệnh màu đen có hình dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng gây chết từng phần lá do sự phá hủy của lục lạp, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng-cam và rụng từng lá một.

Trên lá non các vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với vòng màu vàng xung quanh, tại trung tâm đôi khi hình thành lỗ. Lá quăn và biến dạng sau đó rụng toàn bộ.

Triệu chứng bệnh trên lá

Trên chồi và cuống lá: Các chồi xanh dễ nhiễm, đôi khi nấm bệnh cũng gây hại chồi đã hóa nâu. Dấu hiệu đầu tiên với vết nứt dọc theo cuống và chồi có dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, đôi khi chết cả cây.

Nếu dùng dao cắt bỏ lớp vỏ ngoài sẽ xuất hiện những sọc đen ăn sâu trên gỗ, chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá với vết nứt màu đen có chiều dài 0,5-3,0 mm.

Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá

Triệu chứng bệnh trên thân

Triệu chứng bệnh trên cuống

Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam hiện khuyến cáo những biện pháp phòng trị là:

- Không trồng những giống mẫn cảm (RRIC 103, RRIC 104, RRIM 725, RRIV 4…

- Bón phân cân đối và đầy đủ theo quy trình hiện hành. Ngoài ra, cần tăng lượng phân kali hơn 25% trên vườn cây bị nhiễm bệnh.

- Sử dụng thuốc trừ nấm bệnh cây có chất hexaconazole như Anvil 5SC, Callihex 50SC… với nồng độ 0,15% hoặc hỗn hợp của chất carbendazim và hexaconazole phối trộn theo tỷ lệ 1:1 hay thuốc đã phối trộn sẵn như Avirit 250SC, Vixazol 275 với nồng độ 0,2 – 0,3%. Cần chú ý phun mặt dưới lá với chu kỳ 10-14 ngày/lần với số lần phun từ 2-3 lần đến khi triệu chứng bệnh ngưng phát triển.

Một số công ty như Dầu Tiếng, Quảng Nam, Bình Long, Phú Riềng… đang cùng Công ty CP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn thử nghiệm thuốc trong việc phòng trị bệnh Corynespora như Carbenzim 500 FL (10 ml thuốc trong bình 8 lít nước hoặc 130 ml thuốc trong 100 lít nước) hoặc Saizole 5SC (25 ml thuốc trong bình 8 lít nước hoặc 300 ml thuốc trong 100 lít nước) trong việc phòng trị bệnh Corynespora.

Biện pháp phòng trị bệnh:

1/ Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm thì phòng trị mới có hiệu quả cao.

2/ Nếu thấy bệnh xuất hiện phải làm vệ sinh vườn, gom lá bệnh đem đốt, nếu vườn rộng không gom được lá thì rải vôi lên mặt tầng lá để tiêu diệt các bào tử nấm sau đó dùng nấm men Trichoderma của trường Đại học Cần Thơ rải hoặc tưới đều lên bề mặt để ức chế bào tử nấm phát triển.

3/ Giảm cường độ cạo (cạo d3) hoặc có thể ngưng cạo.

4/ Bón tăng lượng ka li giúp cây tăng sức đề kháng để chống chịu bệnh, hạn chế bón u rê, không dùng nước phân heo để tưới cho vườn cây cao su vì đây là một trong những nguyên nhân gây bào tử nấm phát triển.

5/ Chọn giống kháng bệnh để trồng như Pb260, Pb255.

6/ Tiến hành phun xịt theo 1 trong 2 công thức sau:

- Dùng 15ml Anvil 5EC + 15ml Carbendazim cho 01bình 8 lít.

- Dùng 25 – 30ml Anvil cho 01 bình 8 lít.

Với lượng trung bình 800 – 1000lít nước dung dịch thuốc cho 01 ha, phun xịt theo nguyên tắc 4 đúng, phun phủ đều mặt dưới lá, phun xịt nhắc lại sau 10 -14 ngày để tiêu diệt triệt để các bào tử nấm còn sót lại.

Với các cách phòng trừ trên vườn cao su sẽ ngưng rụng và ra lá non trở lại.

Hy vọng với một số biện pháp phòng trừ trên, vườn cao su của bà con nông dân sẽ nhanh chóng phục hồi và tiếp tục chu kỳ khai thác.

Chia sẻ với bạn bè qua:
Hình ảnh hoạt động
Tổng kho Tân Hà Nhà máy cao su Nhà máy gạo
Thông tin hỗ trợ
Số điện thoại:
(+84)276 3764063

Chat with (+84)276 3764063 Chat with (+84) 933705607