Thứ năm, 21/11/2024 17:48:24 (GMT+7)
Quảng cáo
Sự kiện mới
Hội thảo về phát triển bền vững cây mì Tây Ninh
Thứ tư, 11/5/2011 8:31:00 AM

Cây khoai mì ở Tây Ninh thực sự đã “lên ngôi” khi đến thời điểm này diện tích mì trong tỉnh phát triển đến hơn 44.000 ha với sản lượng ước tính gần 1,8 triệu tấn (bình quân 40 tấn/ha). Làm gì để phát triển cây mì bền vững trên vùng đất Tây Ninh? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi tham dự buổi hội thảo các biện pháp phát triển vùng nguyên liệu cây mì ở Tây Ninh, do Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh và Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong tổ chức ngày 8.5.2011.

Vì sao diện tích mì Tây Ninh tăng đột biến?

Lần đầu tiên có một hội thảo về cây khoai mì được tổ chức theo mô hình liên kết bốn nhà: Nhà quản lý (Nhà nước), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông- những hộ nông dân trực tiếp trồng cây mì ở hai huyện Tân Biên và Tân Châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến (thứ tư từ trái sang) chủ trì hội thảo

Thay mặt giới chức quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu khẳng định: Cây khoai mì là loại cây giảm nghèo ở Tây Ninh và trách nhiệm cùng phát triển loại cây này không chỉ riêng của nhà quản lý cấp nào, mà phải có đủ bốn nhà liên kết, cùng một “nhà thứ năm”  là các ngân hàng thương mại cũng phải vào cuộc để cung ứng vốn cho các hộ nông dân trồng mì.

Vì sao bà con nông dân Tây Ninh “mặn mà” với cây mì? Ông Nguyễn Văn Cam, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh nhận định: Với đặc thù là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư và phù hợp với kinh tế nông hộ, ba năm gần đây cây mì đã phát triển nhanh và mạnh, hình thành các vùng nguyên liệu mì ở các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành... Đồng tình với ý kiến này, ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN và PTNT Tây Ninh đưa ra con số: Hiện tại, cây mì ở Tây Ninh đã phát triển lên trên 44.000 ha, tăng so với vụ trước gần 7.500 ha. Với giá cả thuận lợi hiện nay, ước tính diện tích cây mì sẽ còn tăng thêm vài ngàn ha nữa từ năm 2011 này.

Chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây mì, ông Lê Văn Lượm- một hộ dân chuyên canh 25 ha cây mì tại xã Tân Bình  cho biết: Nếu năng suất cây mì tăng cao, thì với giá thu mua hiện nay của các nhà máy chế biến tinh bột, nông dân có lời ngang bằng với việc trồng cây cao su, trong khi công chăm sóc và đầu tư phân bón thì ít hơn nhiều.

Nhiều hộ nông dân cùng tham dự hội thảo đồng tình với ý kiến trên và cho biết, băn khoăn của họ chính là việc tìm giống mì mới có năng suất cao để thu lợi nhuận nhiều hơn.

Cần tích cực đầu tư cho giống mì mới

Với chủ đề tăng sản lượng cây mì, hội thảo đã thu hút hàng chục ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà doanh nghiệp chế biến khoai mì như Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong, Công ty khoai mì Tapioca- Thái Lan… Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nói: Trước kia, bà con nông dân thường chú trọng “nước- phân- cần- giống”. Còn bây giờ để phát triển cây mì bền vững thì yếu tố “hạng tư” là giống phải đặt lên hàng đầu. Trung tâm Khuyến nông đã có động thái khuyến khích bà con nông dân ở Tây Ninh đầu tư cho các giống cây mì như: KM-94, KM 101, KM 140 tai trắng, KM98-5 tai đỏ với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Nhưng để phát triển vùng nguyên liệu cây mì một cách bền vững thì cần có các giống mì mới có năng suất từ 60- 80 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Cam, Phó TGĐ Cty mía đường (trái) khảo nghiệm giống mì KM 94

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh khẳng định, Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh đã thông qua việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, với các giống mì mới như  SM 937-26, KM228, Raybon-60, Raybon80 và một số giống mì chiếu xạ gây đột biến với năng suất bình quân là 60 tấn/ha. Đồng thời  doanh nghiệp cam kết  đầu tư quỹ đất trên 550 ha tại huyện Tân Châu để sản xuất và xây dựng cánh đồng 5 ha để thử nghiệm và nhân giống mới các loại cây mì cho năng suất cao từ tháng 6.2011 này. Đây là bước đi tích cực nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu có năng suất cao ở địa phương.

Bên cạnh việc được cam kết cung ứng giống mì mới như KM 140 tai trắng, KM98-5 tai đỏ, Raybon-60 có khả năng hứa hẹn năng suất cao, được nhà máy chế biến triển khai một số cơ chế thuận lợi như hỗ trợ chữ bột thì nhiều nông dân trồng mì ở Tây ninh vẫn còn nỗi lo về việc chờ chực đem được sản phẩm vào nhà máy chế biến khoai mì, cũng như nạn cân “chữ bột” tuỳ tiện ở những năm trước đã khiến người dân Tây Ninh phải băn khoăn khi muốn đầu tư vào cây mì.

Kết luận buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng của các nông hộ trồng mì và ý kiến của các doanh nghiệp chế biến tinh bột xoay quanh việc triển khai các kỹ thuật canh tác cây mì, giá cả thu mua nguyên liệu cũng như các biện pháp mà Nhà nước cần hỗ trợ một số cơ chế chính sách cho người chế biến và người trồng mì hiện nay. Điều quan trọng nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh và các doanh nghiệp chế biến khoai mì trực thuộc công ty mía đường nên tổ chức mô hình liên kết bốn nhà: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông triển khai nhanh dự án đổi mới công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì trong thời gian tới ở Tây Ninh.

MINH ĐỨC

Chia sẻ với bạn bè qua:
Hình ảnh hoạt động
Tổng kho Tân Hà Nhà máy cao su Nhà máy gạo
Thông tin hỗ trợ
Số điện thoại:
(+84)276 3764063

Chat with (+84)276 3764063 Chat with (+84) 933705607