Thông qua việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì từ viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Tây Ninh sẽ có các giống mì mới như Raybon-60, Raybon-80 và một số giống mì chiếu xạ gây đột biến với năng suất bình quân là 40 - 50 tấn/ha. Đây là bước đi tích cực nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu có năng suất cao ở địa phương.
Ngày 19/4/2011, Công ty TNHH một thành viên Mía đường Tây Ninh và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Trung tâm khuyến nông tỉnh Tây Ninh cùng ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác cây mì trên địa bàn tỉnh. Tham dự lễ ký kết có Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Tiến và đại diện các sở, ngành liên quan.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cây mì phát triển khá nhanh với diện tích ước tính gần 40.000 ha. Chủ yếu là giống mì KM-94 với năng suất bình quân 30 tấn/ha. Nhằm phát triển cây mì theo hướng bền vững, ông Trần Cảnh Lạc, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mía đường Tây Ninh cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư quỹ đất trên 550 ha tại huyện Tân Châu để sản xuất, thử nghiệm và nhân giống mới các loại cây mì cho năng suất cao. Thông qua việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì từ viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Tây Ninh sẽ có các giống mì mới như Raybon-60, Raybon-80 và một số giống mì chiếu xạ gây đột biến với năng suất bình quân là 40 - 50 tấn/ha. Đây là bước đi tích cực nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu có năng suất cao ở địa phương.
Tại buổi ký kết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến đã biểu dương những cố gắng tìm tòi công nghệ mới và đầu tư kỹ thuật canh tác cây mì tại Công ty TNHH một thành viên Mía đường Tây Ninh. Đồng thời đề nghị Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai dự án đổi mới công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì với các thực nghiệm cụ thể, nâng cao thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong thời gian tới.
Minh Đức